Năm học 2010 – 2011 là năm học tiếp tục thực hiện chỉ thị số 06 ngày 07/11/2006 của Bộ Chính Trị về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 33 ngày 08/9/2006 của Thủ Tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; thực hiện Quyết định số 1400 ngày 30/9/2008 của Thủ Tướng Chính Phủ về thực hiện “Đề án dạy và học ngoại ngữ” trong nhà trường; Chỉ thị số 40 ngày 27/7/2008 của Bộ Giáo Dục – Đào tạo về phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; và là năm thứ 2 thực hiện quyết định số 698 ngày 01/6/2009 của Thủ Tướng Chính phủ về việc “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”; quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 /11/ 2009 về việc phê duyệt đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học của các phòng, khoa chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, chỉ ra những mặt mạnh, yếu trong công tác chỉ đạo, điều hành và rút ra những bài học kinh nghiệm.
Thay mặt Hội đồng giáo dục Thầy Hiệu Trưởng đánh giá những thuận lợi, khó khăn của nhà trường trong năm học 2010 - 2011.
1. THUẬN LỢI (10):
Một là: Thành công của Đại hội Đảng các cấp đã quyết định được chủ trương, hướng đi đúng đắn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các thành phần kinh tế của đất nước nói chung, Sơn la nói riêng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong phát triển trường lớp, ngành nghề, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường, tao cho trường Trung cấp nghề Sơn La một diện mạo mới đáp ứng nhu cầu đào tạo trong giai đaonj mới..
Hai là: Nhà trường tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Bộ lao động – TBXH, Tổng cục dạy nghề, của Tỉnh uỷ; HĐND; UBND tỉnh và các ngành chức năng.
Ba là: Ban chấp hành đảng ủy, BGH nhà trường đủ mạnh, Hội đồng giáo dục thống nhất ý chí, năng động sáng tạo đầy trách nhiệm trong quản lý điều hành đơn vị; Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Nữ công trong nhà trường đã chủ động phối hợp với BGH quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động; tập thể 106 cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết nhất trí, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ; Ban giám hiệu. Cùng cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở từng cương vị công tác.
Bốn là: Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước công tác triển khai dự án xây dựng 02 trường (TH Phổ thông dân tộc nội trú và Trường Trung học Văn hóa Nghệ Thuật) đã và đang triển khai, tạo cho khu đô thị mới Chiềng Ngần một diện mạo mới và thực sự dần trở thành một trung tâm văn hóa xã hội của Tỉnh.
Năm là: Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục quan tâm tới lực lượng lao động qua đào tạo của nhà trường, liên kết với nhà trường đào tạo lực lượng lao động cho doanh nghiệp.
Sáu là: Dự án APEFE (Do hiệp hội người Bỉ nói tiếng Pháp tài trợ) được triển khai đã giúp cho đội ngũ giáo viên của nhà trường có cơ hội tiếp cận các phương pháp dạy học tiên tiến, các trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trong giai đoạn mới (thông qua các khóa đào tạo theo các chuyên đề do dự án tài trợ).
Bẩy là: Nhà trường đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 02 ký túc xá 5 tầng đáp ứng được 900 chỗ ở cho học sinh nhà trường tạo điều kiện thuận lợi có nơi ở giúp học sinh yên tâm học tập, cũng như mở rộng quy mô đào tạo các loại hình nghề.
Tám là: Nhà trường đã được UBND tỉnh đồng thuận, cho phép lập đề án thành lập Trường Cao Đẳng nghề Sơn la; cho phép liên kết với Trường Cao Đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật VINATEX đào tạo liên thông và chính quy trình độ Cao đẳng nghề, đây là cơ hội cho đội ngũ giáo viên nhà trường có điều kiện cọ sát, công tác, phối hợp làm quen với quá trình, kế hoạch đào tạo trình độ Cao đẳng nghề chuẩn bị nâng cấp trường lên thành trường Cao đẳng nghề vào năm 2012.
Chín là: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng dự án đầu tư “Nâng cấp mở rộng Trường Đào tạo nghề Sơn la” đã cơ bản hoàn thành. Hạng mục công trình “Nhà giáo viên thỉnh giảng + Nhà ở giáo viên” được đưa vào khai thác sử dụng giúp cho Cán bộ, giáo viên nhà trường có nơi ăn, chốn ở khang trang, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và yên tâm, phấn khởi công tác.
Mười là: Nhà trường tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tổng cục Dạy nghề - Bộ lao động Thương binh và xã hội đưa vào danh sách các trường được đầu tư 02 nghề trọng điểm với cấp độ quốc gia (Công nghệ Ô tô; Vận hành nhà máy thủy điện), tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học; mở rộng quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo (nghề Vận hành nhà máy thủy điện).
2. KHÓ KHĂN (05):
Khó khăn thứ nhất: Ban giám hiệu nhà trường chưa được kiện toàn do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ toàn diện của nhà trường (hiện tại Ban Giám Hiệu chỉ có 01 đồng chí);
Khó khăn thứ hai: Việc thực hiện chế độ giảng dạy của Giáo viên theo thông tư 09 của Bộ LĐTBXH còn gặp khó khăn do trong quá trình thực hiện, không có nguồn kinh phí bù đắp cho chênh lệch giờ dạy của giáo viên. Mặt khác nguồn kinh phí được cấp trên 01 học sinh (6,5 triệu) là quá thấp trong bối cảnh giá cả thị trường luôn biến động (năm học 2009 – 2010 nhà trường bội chi 1,08 tỷ không có khả năng chi trả; dự kiến năm 2010 – 2011 nhà trường sẽ bội chi khoảng trên 2 tỷ đồng);
Khó khăn thứ ba: Đội ngũ giáo viên đã bước đầu được chuẩn hoá. Song nhìn nhận một cách khách quan: Trình độ, năng lực của một bộ phận giáo viên, cán bộ nhà trường còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được đòi hỏi trong giai đoạn mới.
Khó khăn thứ tư: Công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn do việc giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở cấp bậc học phổ thông còn nhiều bất cập, tỷ lệ học sinh tham gia thi vào các trường Đại học, Cao đẳng lớn, tỷ lệ học sinh tham gia học nghề thấp do vậy công tác tuyển sinh của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, mặt khác học sinh vào trường cơ bản là các em học sinh vùng sâu, vùng xa, chủ yếu có trình độ Trung học cơ sở, học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông, số học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông không nhiều nên học sinh các lớp nhận thức không đồng đều, khả năng tiếp thu kiến thức trong học tập, sinh hoạt cộng đồng còn nhiều hạn chế do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học của nhà trường.
Khó khăn thứ năm: Dự án đầu tư xây dựng 02 nhà ký túc xá vẫn chưa triển khai được nên việc bố trí chỗ ở cho học sinh trong nhà trường vẫn thiếu trầm trọng.